Bản tin tổng hợp

PetroVietnam đứng đầu nhóm 10 doanh nghiệp

(Dân trí) - Top 50 doanh nghiệp (DN) trong Bảng xếp hạng (BXH) 500 DN lớn nhất Việt Nam năm 2011 đủ tiêu chí về doanh thu để có thể đứng trong BXH Forbes 2000 về Top 2000 DN lớn nhất toàn cầu.
Ngày 29/11, Vietnam Report đã công bố bảng xếp hạng VNR500 - TOP 500 DN lớn nhất Việt Nam 2011. BXH VNR500 được dựa trên số liệu điều tra mới nhất đến hết ngày 31/12/2010. Thứ hạng DN sẽ được sắp xếp dựa trên tiêu chí doanh thu.

Để được xếp hạng trong BXH DN mọi thành phần, doanh thu tối thiểu của DN phải trên 1500 tỷ đồng. Kết quả công bố năm 2011 cho thấy, các Tập đoàn, các Tổng công ty và các công ty có vốn Nhà nước chi phối tiếp tục chiếm tỷ lệ cao trong Bảng xếp hạng VNR500 năm 2011 với tỷ lệ 41,6%.

Ngoài số lượng lớn trong BXH VNR500 năm 2011, các Tập đoàn và Tổng công ty Nhà nước cũng chiếm vị trí chi phối áp đảo trong Top 10 DN lớn nhất Việt Nam điển hình như: Tập đoàn dầu khí, Tập đoàn than – khoáng sản, Tập đoàn điện lực Việt Nam… Các DN khối tư nhân và FDI chiếm tỷ lệ lần lượt là 37,4% và 21,0%.

Một số ngành trọng điểm vẫn duy trì được vị thế ưu thế của mình, như các ngành Khoáng sản – Xăng dầu (chiếm tỷ lệ 15%), ngành Ngân hàng – Tài chính (9,8%), Thực phẩm – Đồ uống (8,2%), Viễn thông (6%), Điện (6,8%).

Và như những năm trước, các DN lớn trong BXH năm 2011 vẫn tập trung ở hai trung tâm kinh tế lớn là Hà Nội và TP HCM. Số lượng DN nằm trong hai địa bàn này gần xấp xỉ nhau (với 25,8% cho TPHCM và 21,8% cho Hà Nội).

Đáng chú ý, các DN trong VNR500 năm 2011 ngày càng chứng tỏ được sức mạnh đáng kể của mình với Top 30 DN đầu tiên trong BXH đủ điều kiện gia nhập nhóm câu lạc bộ doanh thu 1 tỷ đô với mức doanh thu trung bình của nhóm đạt 3,2 tỷ USD (Tăng so với mức 2,7 tỷ USD trong BXH năm 2010).

Và rất đáng ghi nhận Top 50 DN đầu tiên trong BXH năm 2011 đủ tiêu chí về doanh thu để có thể đứng trong Bảng Xếp hạng Forbes 2000 về Top 2000 DN lớn nhất toàn cầu.

Tuy nhiên, xét ở góc độ hiệu quả sản xuất kinh doanh, các DN khu vực FDI trong BXH năm 2011 vẫn cho thấy hiệu quả kinh doanh tốt nhất với tỷ lệ lợi nhuận trên vốn (ROA) khoảng 9%, cao hơn rất nhiều so với khu vực Nhà nước (2,7%) và khu vực tư nhân (2,5%).

Cũng vậy, so với BXH năm 2010, tỷ lệ ROA của khối DNNN cũng đã giảm gần một nửa (Từ 5% xuống còn 2.7%). Điều này cho thấy một thực trạng không vui là hiệu quả kinh doanh và đầu tư của khối DN trong nước, bao gồm cả DN nhà nước và DN tư nhân, liên tục ở mức thấp trong các năm qua.

.

Top 10 DN lớn nhất Việt Nam 2011:

-          Tập đoàn dầu khí Việt Nam

-          Tổng công ty xăng dầu Việt  Nam

-          Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam

-          Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC

-          Tập đoàn điện lực Việt Nam

-          Xí nghiệp liên doanh dầu khí Vietxo Petro

-          Tập đoàn viễn thông quân đội

-          Tập đoàn công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam

-          Tổng công ty dầu Việt Nam

-         Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam