Tin Tổng công ty
Năm 2012: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cam kết tiết kiệm 3.715 tỉ đồng
Chiều 28/2, tại 7 điểm cầu, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã tổ chức Hội nghị đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh theo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ.hay mặt lãnh đạo Tập đoàn, Chủ tịch HĐTV Phùng Đình Thực thông báo kế hoạch chi tiết về SXKD năm 2012, tiết giảm chi phí và tái cấu trúc doanh nghiệp. Trong năm 2011, tổng doanh của Tập đoàn đạt 675,3 nghìn tỉ đồng; lợi nhuận trước thuế toàn Tập đoàn đạt 89,4 nghìn tỉ đồng; nộp NSNN đạt 160,8 nghìn tỉ đồng.
Với ý thức trách nhiệm của Tập đoàn kinh tế đầu tàu đất nước, là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ, ngay từ cuối năm 2011, đầu năm 2012, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã chủ động triển khai thực hiện Chương trình công tác năm 2012 với chủ đề “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả và năng lực sản xuất kinh doanh, thi đua về đích trước” với 3 nhiệm vụ: Thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2012 được Chính phủ giao; Thực hiện tiết giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm theo đúng chỉ đạo của Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2012 của Chính phủ và chỉ đạo của Bộ Tài chính tại Công văn số 1724/BTC-TCDN ngày 14/02/2012; Xây dựng và triển khai thực hiện Đề án tái cấu trúc doanh nghiệp trong toàn Tập đoàn theo đúng Chủ trương Kết luận Hội nghị Trung ương 3 (khóa XI) của Đảng và Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 17/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.
PVN phấn đấu hoàn thành toàn diện và vượt mức kế hoạch 2012 với các chỉ tiêu cụ thể sau:
.
,
Về tiết giảm chi phí, Hội đồng thành viên Tập đoàn đã ban hành Nghị quyết số 1151/NQ-HĐTV ngày 15/02/2012 về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2012 với tổng giá trị là 3.715 tỉ đồng, tăng 11% so với cam kết thực hiện của Tập đoàn trong năm 2011 (3361 tỉ đồng).
Trong đó, tiết giảm chi phí quản lý 563,0 tỉ đồng trong việc đẩy mạnh cải cách hành chính, quản lý chặt chẽ các chi phí quản lý từ Công ty Mẹ – Tập đoàn tới các đơn vị thành viên, thắt chặt định mức chi tiêu, sử dụng ô tô, điện thoại, trang bị tài sản…
Tiết giảm chi phí từ cải tiến, hợp lý hoá sản xuất và tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu, năng lượng đạt mức cao nhất, khoảng 2.656 tỉ đồng. Giải pháp chủ yếu là đẩy mạnh nghiên cứu KHKT, áp dụng các giải pháp, công nghệ tiên tiến, và sáng kiến cải tiến vào hoạt động SXKD; Rà soát, hiệu chỉnh các định mức kinh tế kỹ thuật về tiêu hao nguyên, nhiên, vật liệu, năng lượng; định mức khai thác và sử dụng máy móc, thiết bị; Hợp lý hoá sản xuất, thực hiện sửa chữa, bảo dưỡng đúng và vượt tiến độ trên cơ sở tối ưu hóa quy trình công nghệ, chuẩn bị nhân lực, vật tư và phụ tùng; Cải tiến phương pháp thi công, xây lắp theo hướng chuyên nghiệp, đưa các công trình mới vào vận hành đúng hoặc vượt tiến độ; Rà soát vật tư dự trữ, phối hợp với các đơn vị trong ngành huy động tối đa vật tư tồn kho lâu ngày, chậm luân chuyển để đưa vào sản xuất.
Tiết giảm chi phí trong đầu tư xây dựng cơ bản là 496 tỉ đồng. Giải pháp được đưa ra là thực hiện giao thầu với mức tiết giảm 3-5% so với kế hoạch, giá dự toán được duyệt; đẩy nhanh tiến độ dự án xây dựng cơ bản bằng hình thức cam kết trách nhiệm của người đứng đầu.
Nhiệm vụ thứ 3 của PVN là tái cấu trúc doanh nghiệp theo đúng chủ trương Kết luận Hội nghị Trung ương 3 (khóa XI) của Đảng và Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 17/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
Việc tái cấu trúc để tiếp tục phát triển Tập đoàn mạnh hơn, tập trung vào ngành, nghề kinh doanh chính, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh và phát triển bền vững; tiếp tục giữ vững vị trí Tập đoàn mạnh số 1 của Việt Nam và phấn đấu trong 5 năm tới là Tập đoàn kinh tế mạnh trong khu vực, có tốc độ tăng trưởng bình quân 18-20%/năm.
Ông Nguyễn Hữu Tuyến, Tổng giám đốc Liên doanh Việt – Nga (Vietsovpetro) cho biết, năm 2012 Vietsovpetro sẽ nỗ lực khai thác 6,4 triệu tấn dầu, gia tăng trữ lượng thu hồi đạt 8,3 triệu tấn; doanh thu hơn 5 tỉ USD, lợi nhuận cho phía Việt Nam là 2,8 tỉ USD. Một trong những vấn đề trọng yếu của Vietsovpetro là ngăn chặn đà suy giảm trữ lượng dầu. Theo Tổng giám đốc Nguyễn Hữu Tuyến, Vietsovpetro sẽ đầu tư vào các giếng khoan mới để ổn định sản lượng dầu. Năm nay, Vietsovpetro cam kết tiết giảm 500 tỉ đồng.
Về lĩnh vực lọc hóa dầu, ông Vũ Văn Nghiêm, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH 1TV Lọc hóa dầu Bình Sơn, đơn vị tiếp quản Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cho biết thêm: Công ty tiếp quản nhà máy được gần 2 năm nên kinh nghiệm vận hành còn non trẻ. Tuy nhiên, với kế hoạch sản xuất kinh doanh đã được thông qua, Lọc hóa dầu Bình Sơn sẽ sản xuất 5,95 triệu tấn xăng dầu các loại, vận hành an toàn Nhà máy Ethanol Quảng Ngãi công suất 100.000 tấn/năm. Doanh thu của công ty phấn đấu đạt 110.000 tỉ đồng, nộp ngân sách nhà nước 16.000 tỉ đồng. Công ty TNHH 1TV Lọc hóa dầu Bình Sơn cam kết tiết giảm 170 tỉ đồng.
Năm 2012, PV Oil cùng với Tập đoàn tham gia tích cực hơn nữa bình ổn thị trường xăng dầu. Sau 3 năm thành lập Tổng công ty, năm 2011 PV Oil đã có doanh thu gấp đôi năm 2008. Thị phần xăng dầu chiếm 20% cả nước. Theo Tổng giám đốc PV Oil Nguyễn Xuân Sơn nếu mỗi lít xăng PV Oil bán ra tiết kiệm 10 đồng thì số tiền lên tới hàng chục tỉ đồng. Bởi vậy, PV Oil cam kết tiết giảm 84 tỉ đồng.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu đánh giá Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là đầu tầu kinh tế đất nước. PVN chiếm 27% tổng tài sản, 37% vốn chủ sở hữu thuộc khối các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước.
.
.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu phát biểu tại Hội nghị
.
Thứ trưởng Trần Văn Hiếu cho rằng tái cấu trúc là làm cho doanh nghiệp mạnh hơn và hoạt động hiệu quả hơn. Mục tiêu của PVN không chỉ xây dựng thành một Tập đoàn mạnh ở trong nước mà còn là tên tuổi hàng đầu khu vực và trên thế giới. Thứ trưởng Trần Văn Hiếu đề nghị PVN rà soát chiến lược kinh doanh, tiếp tục lộ trình cổ phần hóa, tập trung vào các ngành nghề kinh doanh chính và thoái vốn ở một số lĩnh vực ngoài ngành như: tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán,…
.
.
Tổng giám đốc PVN Đỗ Văn Hậu yêu cầu toàn Tập đoàn quyết tâm thực hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ
.
Phát biểu kết thúc hội nghị, Tổng giám đốc PVN Đỗ Văn Hậu thông báo, riêng hai tháng đầu năm 2012, Tập đoàn đã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh trong tháng. PVN đã đưa vào vận hành thành công Nhà máy Đạm Cà Mau, Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ và chuẩn bị đưa Nhà máy Ethanol Quảng Ngãi vào vận hành.
Tổng giám đốc Đỗ Văn Hậu cho rằng 3.715 tỉ đồng là con số cao nhưng nếu đồng lòng thực hiện thì PVN sẽ còn có thể vượt xa con số tiết kiệm đó. Về tái cấu trúc doanh nghiệp, Tổng giám đốc Đỗ Văn Hậu nhấn mạnh việc tái cấu trúc là rất quan trọng nhưng không quá nặng nề. Bởi các đơn vị thành viên PVN đã hoạt động theo các ngành nghề kinh doanh và thực tế đã tái cấu trúc trong nhiều năm qua. PVN xác định tái cấu trúc trong lĩnh vực dịch vụ sẽ được ưu tiên. Và mục tiêu lâu dài là đưa PVN trở thành một tập đoàn có tầm vóc quốc tế.